Tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, người dân cho biết đã phải sử dụng nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn trong nhiều năm. Nếu muốn dùng nước sạch thì phải đóng tiền mới được dùng.
Đến thôn Tả Thanh Oai, hỏi bất cứ nhà dân nào đều được phản hồi là nước sinh hoạt rất bẩn. Trạm cấp nước mini là nơi cung cấp cho 12.000 dân thôn Tả Thanh Oai. Trạm cấp nước này đã được xây dựng từ hơn 20 năm trước đây.
Kết quả xét nghiệm chất lượng nước tại 3 trạm cấp nước mini của xã Tả Thanh Oai cho thấy, các chỉ số asen và amoni trong nước đều cao gấp vài lần quy chuẩn của Bộ Y tế. Cá biệt có trạm chỉ số asen hay còn gọi là thạch tín cao gấp 3 lần và chỉ số amoni trong nước cũng cao gấp 6 lần mức giới hạn an toàn cho phép.
Theo tin xã hội, xã Tả Thanh Oai nằm gần sông Nhuệ, khu nghĩa trang Văn Điển và nhiều kênh, mương khiến người dân nơi đây luôn trong tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Người dân địa phương phải tự khắc phục bằng việc sử dụng nước giếng khoan và nước mua của HTX dịch vụ Nông nghiệp. Tuy nhiên, qua phản ánh của nhiều hộ dân, số tiền HTX dịch vụ Nông nghiệp thu với tên gọi tiền đóng cơ sở hạ tầng lại có sự chênh lệch giữa các hộ dân sống trên địa bàn xã. Muốn có nước sạch dùng nhiều người dân phải đóng tiền cơ sở hạ tầng cho HTX dịch vụ Nông nghiệp Tả Thanh Oai, trong khi xã viên hợp tác xã thì không phải đóng.
Để được sử dụng nước sạch, chúng tôi phải đóng cho HTX tổng số tiền là 6.000.000 đồng/hộ, khi hỏi ra mới biết trong đó 2.000.000 đồng là tiền đồng hồ và công thợ lắp đặt.
Qua tìm hiểu, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Thanh Oai được giao quản lí hai hệ thống giếng khai thác, hai bể lọc, bể chứa, có hai trạm bơm đẩy để phục vụ nhân dân. Một trạm được xây dựng năm 1997, với công suất ban đầu là 16m3/h chỉ phục vụ được 50 hộ dân thuộc HTX, nguồn kinh phí do nhà nước đầu tư bàn giao cho thôn quản lí và sử dụng, phần đường ống đồng hồ lắp đặt do người dân tự đóng góp. Trong quá trình vận hành, máy móc thiết bị xuống cấp, chất lượng nước không đảm bảo, năm 1999 thôn đã giao cho HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã quản lí. Năm 2012, được sự quan tâm của chính quyền, dự án Wan 2 của Chính phủ Nhật Bản đã được triển khai nhằm tăng cường hệ thống cung cấp nước sạch cho dân. Nhờ vậy, trạm bơm thứ 2 được đầu tư xây dựng mới bao gồm trạm, đường ống nước dọc làng, máy sục, máy khai thác, máy đẩy…
Theo danhgianhanh, HTX Dịch vụ Nông nghiệp khi vận hành quản lí 2 trạm bơm đã thu tiền gọi là tiền “đóng góp cơ sở hạ tầng” của các hộ dân từ nơi khác đến mua đất làm nhà, định cư trên địa bàn xã. Sự việc này đã bắt đầu diễn ra từ tháng 6/2004 đến nay, qua mỗi năm lại được định giá tăng lên thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu xã viên HTX. Cụ thể, năm 2009 thu 1.000.000 đồng/hộ, năm 2011 thu 2.000.000 đồng/hộ, năm 2012 thu 3.000.000 đồng/hộ, từ tháng 3/2013 đến nay tăng lên là 4.000.000 đồng/ hộ. Chỉ tính riêng từ tháng 3/2013 đến nay, đã có 186 hộ dân phải đóng 4.000.000 đồng tiền đóng góp cơ sở hạ tầng để sử dụng nước sạch, tổng thu gần 800 triệu đồng, và nếu tính từ 2012 đến nay thì đã có 283 hộ phải đóng tiền cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết của HTX với số tiền lên tới cả tỷ đồng.